Bưu thiếp – ý nghĩa và nguồn gốc lịch sử ra đời

Bưu thiếp - ý nghĩa và nguồn gốc lịch sử ra đời 1

Bưu thiếp là sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, dù cho những công nghệ liên lạc mới ngày càng lên ngôi. Nhưng bạn có biết bưu thiếp có từ bao giờ và hàm chứa ý nghĩa như thế nào không? Hãy cùng đọc để hiểu thêm những điều thú vị nhé!

Bưu thiếp - câu chuyện xưa và nay

Bưu thiếp – câu chuyện xưa và nay

Bưu thiếp là gì?

Bưu thiếp hay còn gọi là bưu thiệp (tiếng Anh: postcard) là một mảnh giấy dày hay giấy bìa cứng hình chữ nhật dành cho văn bản và gửi thư mà không có một phong bì. Thường là những tấm bưu thiếp có một mặt là hình ảnh, và mặt còn lại để ghi địa chỉ và ghi một thông điệp nào đó.Tuy nhiên sự thực thì những chiếc bưu thiếp trước đây nhiều loại không in hình ảnh mà chỉ là bề mặt trắng để ghi nội dung nhắn gửi đến người nhận. Chi phí tem thư để gửi một bưu thiếp bằng đường bưu điện thường thấp hơn gửi một bức thư.

Trong lịch sử, cũng có những loại bưu thiếp đặc biệt như: bưu thiếp gỗ làm bằng gỗ mỏng, và bưu thiếp bọc đồng từ Quận Copper của tiểu bang Michigan, và bưu thiếp bằng giấy vỏ dừa từ các hòn đảo nhiệt đới.

Thông thường, bưu thiếp được bày bán nhiều ở các địa điểm du lịch. Nó được khách du lịch mua để làm kỷ niệm mỗi khi đến một “vùng đất” mới. Ở Nhật, họ thậm chí còn có phong tục gửi bưu thiếp chúc mừng năm mới cho nhau mỗi dịp Tết đến xuân về.

Bưu thiếp và những điều muốn nói

Chỉ một tấm bưu thiếp nhỏ gọn và đơn sơ nhưng có thể thay bạn nói lên rất nhiều điều:

– Bưu thiếp “sứ giả trung thành của tình yêu hoặc tình bạn” là một phần của đời sống hằng ngày của chúng ta, nó nằm giữa con tem gửi thơ và những phiên bản tranh ảnh nghệ thuật.

– Bưu thiếp có thể là một biểu tượng một lời tỏ tình, một kỷ niệm và đôi khi có thể là một điều đe doạ tuỳ thuộc vào những gì người ta viết trên mặt để trống của nó.

– Nhận được một bưu thiếp, người nhận có thể vui cười, khóc mếu: có thể cảm động, có thể hồi hộp, lại cũng có thể nghiến răng vì tức tối.

Ngày nay bưu thiếp được sử dụng với nhiều mục đích, ý nghĩa như:

  • Quà trao tặng bạn bè vào những dịp đặc biệt như Giáng sinh, Quốc tế phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam
  • Tặng thầy cô ngày 20/11, sinh nhật…
  • Tặng kèm với món quà sinh nhật bạn bè
  • Viết những lời chúc cho bạn bè khi họ tốt nghiệp, đi du học, đi công tác xa
  • Viết những lời mật ngọt đến người yêu vào Valentine
  • Gửi người thân nơi phương xa khi bạn đang công tác nước ngoài, sinh sống và học tập ở nước ngoài
  • Trao tặng ai đó những thông điệp ý nghĩa trong cuộc sống
  • Tặng đối tác khi họ hợp tác với công ty, doanh nghiệp bạn ở một dự án nào đó
  • Tặng cộng sự của mình khi sắp bắt đầu thực hiện một ý tưởng mới
  • Tặng cho những người bạn mới quen sau khi kết thúc một sự kiện, chuyến du lịch
  • Quảng cáo, giới thiệu thông tin của một chuyến du lịch, một kỳ nghỉ đến khách hàng một cách thu hút, lôi cuốn.

Dù không được thuận tiện như tin nhắn hay thư điện tử, nhưng thật khó để phủ nhận ý nghĩa và những cảm xúc tích cực mà chiếc bưu thiếp mang lại. Trong khi tin nhắn hay thư điện tử vốn không làm được điều này. Giống như tôi đã từng cảm thấy rất vui khi nhận được bưu thiếp gửi từ phương xa. Bạn cũng hãy thử hình dung đi nào! Những chiếc bưu thiếp như một lời chào ngắn ngủi nhưng nhẹ nhàng và ấm áp. Đó cũng là một món quà tinh thần cho biết rằng người gửi nhớ đến người nhận. Thông qua mỗi tấm bưu thiếp, bạn lại có cơ hội hiểu biết hoặc hình dung thêm về địa danh nào đó… Nhưng đặc biệt hơn, những dòng chữ viết tay rất riêng của người gửi sẽ khiến bạn vui hơn cả. Để rồi một ngày nào đó, mở bộ sưu tập những tấm bưu thiếp cũ ra, đọc lại và mỉm cười.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn gốc ra đời của bưu thiếp?

Theo lịch sử Phương Đông thì bưu thiếp là một trong những thói quen gửi đến nhau những lời chúc tụng. Tại Trung Hoa bưu thiếp đã xuất hiện từ thế kỷ thứ X.

Theo lịch sử Tây Phương, từ thế kỷ XVIII đã có tiểu kỹ nghệ in thiếp một mặt có hình. Tuy nhiên vào lúc đó chưa có thể coi bưu thiếp là một thứ đã được chính thức công nhận mà chỉ là một sáng kiến cá nhân và số bưu thiếp được làm ra rất là giới hạn. Tình trạng này kéo dài cho tới lúc bưu thiếp được chính thức thiết lập bởi Ngành Bưu Điện.

Bưu thiếp - câu chuyện xưa và nay

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tấm bưu thiếp đầu tiên có in hình một tranh khắc gỗ đã được bán ở Bale bởi một người tên là Fenner Matter vào năm 1855. Nhưng một số nhà nghiên cứu khác lại quả quyết rằng những bưu thiếp đầu tiên là những tấm in những cảnh phố phường ở thủ đô Berlin của Đức do một người thợ in litô tên là Miesler. Dù sao đi nữa những tấm bưu thiếp đầu tiên này không nhằm mục đích liên lạc tin tức.

Mãi tới năm 1865 trong Hội Nghị Bưu Điện lần thứ năm họp ở Carlsruhe, mới có một Tổng Trưởng đưa ra đề nghị chính thức hoá việc dùng bưu thiếp, nhưng đề nghị đó không được hội nghị lưu ý lắm.

Năm 1869, qua một bài viết đăng trong tờ “Neue Freie Presse” một bác sĩ tên là Hermann đã nhắc lại ý kiến trên, và vị Giám Đốc Bưu Điện Áo chấp nhận sáng kiến đó và chính thức hoá nó bằng một sắc lệnh ký ngày 1 tháng 10 cùng năm. Ngày 20 tháng 12 năm 1872, ông De Rampont, Tổng Giám Đốc Bưu Điện Pháp cũng ra một sắc luật chính thức hoá việc sử dụng bưu thiếp tại Pháp.

Vào ngày 29-9-1870, dân chúng sống ở Pháp trong vùng bị Đức tạm chiếm cũng được đọc một bích chương do Giám Đốc Bưu Điện Đức Quốc Rosshirt ký thông báo việc cho sử dụng bưu thiếp để gửi tin tức cho nhau: một mẫu duy nhất được cho sử dụng, đó là một mặt chữ viết bằng mực đen và một mặt kia chỉ vẽ một chữ thập đỏ. Rất có thể đây chính là tấm bưu thiếp đầu tiên có hình, dù chỉ làm một chữ thập đỏ.

Kể từ đó mạnh ai người nấy nói, ai cũng muốn làm thuỷ tổ của bưu thiếp cả.

Một ký giả của báo “Revue Illustrée de la carte postale” (tạm dịch là Báo Ảnh Bưu Thiếp) đã đưa ra một giả thuyết rất hấp dẫn về ông thuỷ tổ của bưu thiếp. Theo ký giả này, thuỷ tổ hoặc những thuỷ tổ của bưu thiếp chính là một tay hay các tay chủ khách sạn đã phát minh ra bưu thiếp để in hoặc vẽ các khách sạn của họ nhằm làm quảng cáo và đã dành mặt sau những thiếp đó để viết thư từ của họ.

Năm 1891 Dominique, người Mácxây là người đầu tiên đã thương mại hoá các bưu thiếp có hình ảnh. Tuy nhiên, do kỹ thuật kết nối máy in với các bức hình chụp còn hạn chế khiến cho loại hình này vẫn hết sức khiêm tốn trước năm 1897. Triển lãm Thế giới tại Paris năm 1900, người ta đã dành 5 gian giới thiệu về Đông Dương qua các bưu ảnh, đã đánh dấu những bước phát triển mạnh mẽ của bưu thiếp. Giai đoạn từ đầu thế kỷ 20 đến kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai được gọi đó là giai đoạn vàng của bưu thiếp. Vào thời kỳ này, các báo hàng ngày mới thường chỉ đăng tải tin tức cùng với tranh vẽ minh hoạ, ảnh chụp trên báo hầu như không có. Nhờ kỹ thuật chụp ảnh và công nghệ in, đặc biệt là công nghệ khắc chìm (iconographie), các nhà xuất bản, các nhà nhiếp ảnh đã đưa các hình ảnh phong cảnh, các sự kiện và cuộc sống hàng ngày tại Đông Dương ra khắp thế giới.

Giai đoạn đầu, nội dung của thư không được viết trên mặt chính của bưu thiếp hay bưu ảnh. Mặt chính chỉ được dùng để ghi địa chỉ người nhận, có nghĩa là cả tranh, ảnh và nội dung thư viết cùng ở mặt sau.

Một bước ngoặt lớn đối với bưu thiếp là từ năm 1904: cơ quan bưu chính cho phép mặt chính của bưu thiếp được chia làm hai phần, phần bên trái dùng để viết thư, còn bên phải để ghi địa chỉ người nhận và dán tem. Có nghĩa là mặt sau được hoàn toàn sử dụng cho tranh hoặc ảnh. Và như vậy, thông qua bưu thiếp, mọi tầng lớp xã hội ở mọi nơi có thể tiếp cận được với những bức ảnh muôn hình muôn vẻ có kích cỡ bằng bưu thiếp. Cũng vì vậy người ta còn gọi chúng là bưu ảnh.

Bạn thấy đấy, dù qua rất nhiều thăng trầm của thời gian, những tấm bưu thiếp vẫn vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa của mình. Cuộc sống dù có hiện đại đến đâu bạn cũng đừng quên những tấm bưu thiếp này để gắn kết tình cảm đối với những người thân yêu đấy nhé!

Cập nhật lần cuối: 10/09/2021

5/5 - (2 bình chọn)